Di dời ngày càng chậm
TheếhoạchdidờinhàtrênvàvenkênhrạchNóinhiềulàmkhôngbaonhiêcốc cốco đánh giá của các chuyên gia, việc di dời nhà trên và ven kênh rạch càng chậm theo thời gian. Cụ thể, giai đoạn 1993 - 2000 di dời được 9.266 căn, giai đoạn 2001 - 2005 di dời được 15.548 căn, giai đoạn 2006 - 2010 di dời được 7.542 căn, giai đoạn 2011 - 2015 di dời được 3.350 căn và giai đoạn 2016 - 2020 di dời được 2.479 căn.
Nguyên nhân khiến chương trình này càng ngày càng chậm bởi trước đây được dùng bằng vốn ngân sách. Sau đó sử dụng hình thức hợp tác công tư (PPP). Tuy nhiên, hiện nay, luật không cho phép dùng hình thức này, trong khi vốn ngân sách hạn chế khiến chương trình bị "tắc", loay hoay làm mãi không xong.
TP.HCM sẽ di dời hơn 4000 căn nhà ven kênh rạch
Theo ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), TP đã có kế hoạch để di dời 6.500 căn trong giai đoạn 2021 - 2025 kết hợp với các chương trình giải quyết ô nhiễm, chương trình nhà ở, đề án phát triển kè sông và kinh tế ven sông. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch này thực hiện rất chậm dù chương trình lần nào cũng được đưa vào nghị quyết của đảng bộ TP.HCM.
TS Dư Phước Tân, Trưởng Phòng nghiên cứu quản lý đô thị của HIDS, cho rằng nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là bởi đa số nhà trên, ven kênh rạch đều lấn chiếm, không đủ điều kiện để bồi thường, mà chỉ được nhận một phần hỗ trợ của TP, không đủ để người dân tạo lập nơi ở mới khiến người dân không chịu di dời.
Một điều nữa, theo quy định hiện nay, giá bồi thường phải tiếp cận giá thị trường. Nhưng trên thực tế rất khó xác định giá bồi thường sát với giá thị trường. Đơn cử như đường Bến Vân Đồn (quận 4) có khung giá bồi thường quy định do Nhà nước ban hành là 65 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường lên đến 100 triệu đồng/m2.
Khó khăn bủa vây
Ông Vương Quốc Trung (Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển), đánh giá, việc sử dụng vốn đầu tư các dự án di dời nhà ven kênh chủ yếu bằng vốn ngân sách nhà nước nên gặp không ít khó khăn trong bối cảnh điều tiết ngân sách chung và hạn chế từ nguồn vốn vay ưu đãi. Ngoài ra, việc tìm kiếm vị trí thích hợp để di dời, tái định cư cho các hộ gia đình cũng là một trong những thách thức lớn. TP đã không còn nhiều không gian trống để xây dựng khu dân cư mới, đặc biệt là vùng gần khu trung tâm. Để giải quyết vấn đề này, ông Trung đề xuất TP.HCM có thể vận dụng cơ chế trong Nghị quyết 98, trong đó HĐND TP.HCM có thể sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quỹ đất sau khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được bán đấu giá để hoàn trả ngân sách TP.
TS - Kiến trúc sư Nguyễn Thiểm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM, cũng đề xuất trong lúc ngân sách hạn chế, việc xã hội hóa nguồn lực từ các doanh nghiệp là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, để làm được điều này cơ chế phải thật sự cởi mở, thông thoáng. Hãy tư duy bằng cách các bên cùng hưởng lợi, cùng chịu trách nhiệm thì mới giải quyết được vấn đề. Nếu chỉ nhìn một phía nhà nước có lợi mà không nhìn thấy cái lợi của nhà đầu tư, của người dân thì chẳng có nhà đầu tư nào vào cả trong bối cảnh bị gây khó khăn về mặt pháp lý, kinh tế đang vô cùng khó khăn.
Bà Châu Mỹ Anh (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), đặt vấn đề: TP hơn 300 năm hình thành và phát triển, hình ảnh các ngôi nhà ven, trên bờ sông, kênh rạch đã trở thành ký ức quen thuộc trong người dân của TP nói riêng và của mọi người khi nhắc đến Sài Gòn - Gia Định nói chung. Việc chỉnh trang lại các bờ kênh có vẻ làm cho đô thị trông sạch sẽ hơn, nghiêm chỉnh hơn, nhưng có hay không việc đô thị mất đi sức sống của sinh hoạt người dân, của những hồi ức về lịch sử đô thị khi các con thuyền chở hàng hóa từ khắp nơi về buôn bán, những tiếng reo hò, mùi thơm cũng như mùi của những nông sản hòa quyện vào vùng đất đô thị này.
Do vậy, bà Châu Mỹ Anh đề xuất: Thay vì tiến hành cưỡng chế, giải phóng mặt bằng thì bài học từ Thái Lan cho thấy họ đã quy hoạch thành các khu chợ nổi. Ngày nay, bất chấp những tiến bộ về công nghệ và cơ sở hạ tầng, việc bán đồ ven sông vẫn phổ biến và các khu chợ nổi đã trở thành điểm thu hút khách du lịch. Người dân nơi đây không bị quá trình đô thị hóa cướp đi nơi sinh sống, công việc mà họ còn được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách bảo tồn, quản lý và thúc đẩy du lịch của nhà nước. "Trước mắt do chưa có nguồn lực thì cần tập trung vào từng dự án, địa bàn trọng tâm, tránh đầu tư dàn trải. Đồng thời có đánh giá từng tiêu chí phù hợp về nguồn lực tài chính và con người. Hoàn thiện các chính sách, cơ chế đặc thù khuyến khích xã hội hoá nguồn vốn. Tăng cường tiếp cận các nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng, các định chế tài chính quốc tế như vốn ODA, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA)..."- bà Châu Mỹ Anh nêu ý kiến.